Tôi đi học Kiến Trúc nội thất ở Đức _5

Unterhalt-verweigern

Chuyện tài chính của sinh viên

Càng quen nhiều bạn học hơn thì tôi cũng biết được nhiều thông tin phong phú về nước Đức hơn, không gói gọn trong phạm vi gia đình và vài người bạn thân nữa. Các bạn trẻ, 18 tuổi, hoặc học nghề thì có lương ngay dù ít, hoặc vào đại học, là đã bắt đầu tự lập tài chính. Những bạn mà bố mẹ có thu nhập cao thì không được nhận hỗ trợ (BAfoeg) của chính phủ, chính phủ sẽ mặc định bố mẹ sẽ hỗ trợ con, hỗ trợ bao nhiêu, cho luôn hay trả lại hay gì gì đó thì là chuyện riêng của gia đình. Số tiền hỗ trợ của chính phủ, cũng căn cứ theo mức thu nhập của bố mẹ mà có công thức tính. Ngoài ra thì hầu hết các bạn được nhận tiền “Trẻ em” (Kindergeld), tiền này bố mẹ được nhận từ khi con được sinh ra, thông thường các bố mẹ Đức sẽ cho con số tiền này làm tiền tiêu vặt hàng tháng khi con đủ tuổi tiêu tiền, tối đa tới 25 tuổi thì hết được nhận tiền “Trẻ em”. Bạn học mình có bạn nhận được tối đa số tiền Hỗ trợ chính phủ, là 735€, cộng với tiền “Trẻ em” 194 € (năm 2018) thì tính ra mỗi tháng bạn ấy có khoảng gần 1000€, trừ tiền nhà khoảng 300€, còn lại thì cũng đủ ăn uống đi lại, học hành. Nhất là học ngành Kiến trúc thì cũng như ở Việt Nam, tốn tiền dụng cụ nhiều, mỗi lần làm đồ án cũng phải bỏ tiền túi ra để mua vật liệu, trường thường hỗ trợ chừng một nữa nếu hên, nhiều chuyến đi thăm quan, thực nghiệm liên quan tới việc học, sinh viên cũng phải tự trả một phần chi phí.

Chú thích 1: Rất may mắn cho các bạn Đức, trường đại học có văn phòng phẩm riêng, bán dụng cụ học tập cho sinh viên với giá gần bằng giá gốc. Nhân viên bán hàng cũng toàn bộ là sinh viên làm thêm tình nguyện với mức lương gọi là hỗ trợ, bằng nửa mức lương tối thiểu qui định. Đầu năm nay vì nhiều bạn làm ở cửa hàng đi Học Kì nước ngoài nên thiếu người trầm trọng, cửa hàng “đình công” suốt hai tháng trời, và tiệm Cafe do sinh viên tự quản cũng đóng cửa suốt cả học kì. Trường có tiệm Cafe riêng và Căn tin riêng, nhưng hoạt động hoàn toàn riêng biệt, không liên quan gì tới cái tiệm Cafe sinh viên kia.

Nói chung thì 1000€ một tháng thì không thể mua sắm lung tung hay đi nhà hàng quán bar nhiều. Và để để dành tiền cho Học kì ở nước ngoài (được lựa chọn thực tập ở công ty trong nước, hoặc đi học một học kì ở nước ngoài), hoặc để đi du lịch (du lịch ở Đức là một phần tất yếu của cuộc sống, nhà nhà đều đi, người người đều đi, mỗi năm người đi làm có trung bình từ 24 đến 30 ngày nghỉ, ít tiền thì mỗi năm 1 lần đi xa, nhiều thì 2,3 lần), thì các bạn ấy phải cật lực làm thêm thậm chí vài việc một lúc. Việc học theo tín chỉ cho phép sinh viên được chủ động lựa chọn môn và thời gian, có thể gom các môn vào các ngày nhất định, thời gian rảnh để đi làm. Bố mẹ hầu hết để con cái tự xử lí cuộc sống, mặc dù cần thì vẫn cho vay tiền, hoặc nhân dịp Giáng sinh hay sinh nhật mà tặng những món quà thiết thực. Bạn mình “ước” một cái máy hút bụi cho dịp Giáng sinh này.

Chú thích 2: Vấn đề hỗ trợ tài chính cho học sinh, sinh viên ở Đức được qui định trong luật pháp rất rõ ràng, và cũng rất thú vị để tìm hiểu. Trẻ đủ 18 tuổi, còn sống với bố hoặc mẹ, và học nghề hoặc học đại học, thì bố mẹ (thu nhập đủ theo qui định) bắt buộc phải chu cấp cho con tối thiểu 735€ một tháng, bố mẹ từ chối, nhà nước sẽ trả cho người con, nhưng cũng sẽ trực tiếp lấy lại từ bố mẹ. Ở Đức mọi tài chính đều công khai, không giấu đi đâu được nếu có tiền, còn nếu tiền từ làm “chợ đen” thì ví dụ, mua xe ô tô ngon cũng không được. Nếu người con đã có ít thu nhập từ việc vừa học vừa làm, thì bố mẹ cũng phải chu cấp thêm một khoản nhỏ có bảng qui định hẳn hoi. Tóm lại, nhà nước sẵn sàng hỗ trợ, nhưng đẻ con ra thì buộc phải có trách nhiệm với nó cho tới lúc nó tự lập được, chứ cũng không thể đủ 18 tuổi ném nó ra đường, trừ phi nó tự bỏ nhà đi bụi thì thôi. Ngược lại thì người con cũng co nghĩa vụ học cho lẹ cho xong đi làm, chứ học dở học lười kéo dài việc học thì cũng bị cắt tiền. Mà nếu người con kết hôn thì lại là chuyện khác nữa, vì vợ hoặc chồng cũng có “nghĩa vụ” chịu trách nhiệm tài chính một phần cho người kia. Ví dụ: Người con đang đi học, sống cùng bố mẹ, theo mức thu nhập, bố mẹ phải phụ cấp 300€ cho người con, trừ chi phí ăn và ở tính khoảng 250€, thì bố mẹ phải trả thêm cho con 50€. Nếu người con không sống trong nhà bố mẹ, thì tùy theo mức thu nhập, phải chu cấp một khoản 735€ (2018) cho người con, trong đó 300€ là chi phí thuê nhà, số tiền này sẽ chia đều cho bố và mẹ theo tỉ lệ phần trăm thu nhập.

Thấy thì có vẻ người Đức rõ ràng rành mạch tới từng xu nhỉ. Cái này tùy nhà, có bố mẹ giàu thì cũng không tiếc gì cho con. Có bố mẹ giàu nhưng cũng không cho con một đồng mà để tiền hết cho nhà thờ. Có bố mẹ nghèo vất vả hỗ trợ con hết mức. Cũng có bố mẹ nghèo tiền tiêu hết vào bia rượu. Cũng có người bố mình biết, chỉ làm việc đủ để sống và không vượt qua mức đủ để hỗ trợ con, thành ra con trai mười mấy năm sống với mẹ không nhận được từ bố một cắc. Cái khác ở Việt Nam là không bố mẹ nào lo làm lụng để mua nhà cho con, hay chạy việc cho con, hay thậm chí cưới vợ cho con. Nghĩa vụ của bố mẹ cho con sau 18 tuổi theo qui định của pháp luật chỉ tới mức hỗ trợ chương trình học đầu của con mà thôi (thường là 3 năm).

Bố mẹ mình ở quê thì cũng đang ấp ủ hi vọng mua tạo dựng một cái cơ sở gì đó cho con gái là mình đây để nhỡ sau này nó cần thì cho, dù con cái sống tận đẩu tận đâu và chẳng bao giờ xin xỏ gì. Kiểu như ông bà lo cho con trai là em mình xong rồi, thì giờ rảnh, lo qua tới mình để có động lực làm việc vậy đó.

*lần sau có lẽ viết về chuyện tình yêu của sinh viên chăng!?

3 thoughts on “Tôi đi học Kiến Trúc nội thất ở Đức _5

  1. Đọc phần này của chị làm em nhớ lại hai chuyện
    1. Mong muốn được du học. Cơ mà qua mất rồi. Nếu sau này có cơ hội thành tài và sống bằng nghề viết, em rất muốn được sang châu Âu để học về ngôn ngữ và phê bình văn học :3
    2. Em từng ước mơ mở một trường học nhỏ mà tại đó học sinh sinh viên làm các công việc trong trường để nhận được lương :D. Hóa ra trên thế giới thì điều này có rồi :3

    Liked by 1 person

    1. Du học thì không có deadline đâu em, còn muốn là học được. Khoa chị học có hai cô ngoài 50 và 1 anh ngoài 40 nhé.
      Sống bằng nghề viết hoặc có thể nào là một nghề tay trái không?
      Hầu hết các trường ở nước ngoài đều có việc cho sv làm, người sẵn, lương thấp vì ng ta có qui định mức lương tối thiểu cho người không phải sinh viên. Làm Tutor cũng có lương.

      Liked by 1 person

      1. Hì 😀 làm em có động lực du học rồi. Em dự định tầm ngoài 35 tuổi sẽ nghỉ việc và đi học để thực hiện mơ ước của mình. Do là đến lúc đấy thì hợp đồng làm việc của em với công ty mới hết :v. Không rõ lúc ấy còn tâm trí mà nghĩ tới cái mình mơ hay lại cơm áo gạo tiền nữa…

        Like

Leave a comment